×

10 Kỹ năng thoát hiểm khi có cháy: cẩm nang an toàn mọi người cần biết

  • Thứ ba, 14:48 05/11/2024
  • Kỹ năng thoát hiểm khi có cháy là một trong những kiến thức quan trọng mà mỗi người cần trang bị để bảo vệ tính mạng bản thân và gia đình. Vì vậy, việc nắm vững các cách thoát hiểm hiệu quả sẽ quyết định khả năng an toàn và sống sót. Mời các bạn cùng theo chân AICA HPL tìm hiểu rõ hơn kỹ năng phòng cháy chữa cháy và thoát hiểm trong nhiều tình huống khác nhau.

    Nắm vững kiến thức cơ bản về cháy nổ

    Khi tìm hiểu về vấn đề cháy nổ, bạn có thể chú trọng 3 yếu tố cốt lõi nhất là nguồn cháy, giai đoạn cháy và dấu hiệu nhận biết. Từ những kiến thức này, mọi người có thể xác định khu vực nguy hiểm dễ cháy, có hướng xử lý phù hợp với từng giai đoạn của đám cháy, qua đó đảm bảo an toàn và thoát hiểm kịp thời.

    Theo thống kê của Bộ Công an, nguyên nhân cháy nổ phổ biến nhất là do sự có hệ thống, thiết bị điện (chiếm khoảng 45,5%), xếp sau là sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt không an toàn (chiếm 26,1%) và nhiều lý do khác như vi phạm quy định an toàn PCCC, tự cháy,...

    Ngoài ra, việc hiểu rõ về đặc điểm và mức độ nguy hiểm của từng giai đoạn phát triển của đám cháy cũng làm tăng cơ hội cho bạn xử lý và thoát hiểm an toàn, cụ thể:

    Giai đoạn khởi phát

    Khi một phản ứng hóa học xảy ra giữa oxy và nhiên liệu, tạo ra ngọn lửa nhỏ là giai đoạn khởi đầu của một đám cháy hay thường được gọi là "đánh lửa". Ở giai đoạn phôi thai, đám cháy còn rất nhỏ và dễ kiểm soát. Đây là thời điểm tốt nhất để sử dụng các thiết bị chữa cháy như bình chữa cháy cầm tay hoặc nguồn nước để dập tắt ngọn lửa ngay lập tức. Thoát hiểm trong giai đoạn này cũng tương đối dễ dàng vì khói và lửa chưa lan rộng.

    Giai đoạn tăng trưởng

    Trong giai đoạn này, ngọn lửa bắt đầu lan nhanh, phát triển mạnh hơn do oxy được cung cấp đầy đủ, tiếp tục đốt cháy các vật liệu xung quanh, tạo ra nhiệt độ cao. Bạn cần khẩn trương tìm lối thoát hiểm và thoát ra khỏi đám cháy càng sớm càng tốt.

    Giai đoạn phát triển đầy đủ

    Lúc này đám cháy đã đạt đến mức tối đa của nó, bắt lửa tất cả các vật liệu dễ cháy xung quanh. Ngọn lửa ở giai đoạn này rất dữ dội và nhiệt độ có thể lên đến cực cao, gây nguy hiểm lớn cho bất kỳ ai còn mắc kẹt bên trong. Đây cũng là giai đoạn khó kiểm soát nhất, các đội phòng cháy chữa cháy phải sử dụng các thiết bị chữa cháy chuyên dụng để can thiệp. Trong trường hợp thoát hiểm, bạn cần phải tránh xa những khu vực có nguy cơ nhiệt độ cao và tuân thủ hướng dẫn của lực lượng cứu hộ.

    Giai đoạn phân hủy (tàn lụi)

    Sau khi lượng oxy hoặc nhiên liệu giảm đáng kể, ngọn lửa bắt đầu lụi dần và đám cháy bước vào giai đoạn phân hủy. Đây là giai đoạn dài nhất, khi đám cháy yếu dần và cuối cùng tắt hoàn toàn. Tuy nhiên, giai đoạn này vẫn tiềm ẩn nguy cơ từ các chất dễ cháy âm ỉ, có thể gây ra một đám cháy mới nếu không được xử lý triệt để. Đội ngũ chữa cháy cần kiểm tra kỹ lưỡng để đảm bảo đám cháy đã được dập tắt hoàn toàn và không còn nguy cơ bùng phát lại.

    >>> Có thể bạn quan tâm: Các loại đám cháy phổ biến hiện nay

    Nắm vững kiến thức cơ bản về cháy nổ
    Hiểu rõ từng giai đoạn cháy để thoát hiểm an toàn và kịp thời

    Cuối cùng là nhận biết nhanh các dấu hiệu cháy dưới đây cũng là một trong những kiến thức quan trọng về cháy nổ:

    • Khói: Đa số các đám cháy đều tạo ra khói. Dựa vào màu sắc và lượng khói, bạn có thể ước đoán loại vật liệu đang cháy và quy mô của đám cháy. Ví dụ, khói màu đen thường là từ xăng, dầu hoặc cao su; khói màu xám từ gỗ hoặc giấy; khói màu vàng có thể là lưu huỳnh. Nếu khói dày đặc đồng nghĩa đám cháy đang lan rộng.
    • Mùi khét: Khi cháy các vật liệu như cao su, nhựa, giấy hay vải thường tạo ra mùi khét. Nếu bạn ngửi thấy mùi này, đặc biệt vào ban đêm hoặc nơi khuất, hãy nhanh chóng tìm nguồn cháy hoặc chuẩn bị thoát nạn.
    • Ánh sáng và âm thanh: Ngọn lửa hoặc ánh sáng phản chiếu từ ngọn lửa rất dễ nhận ra, đặc biệt vào ban đêm. Đám cháy cũng có thể kèm theo âm thanh như tiếng nổ lớn hoặc tiếng lách tách từ vật liệu cháy. Đây là dấu hiệu rõ ràng cho thấy có một vụ cháy đang diễn ra gần bạn.

    Một số kỹ năng thoát hiểm cần thiết khi có cháy

    Dưới đây là những kỹ năng thoát hiểm khi có cháy bạn cần nắm vững để ứng phó kịp thời và an toàn.

    Kỹ năng 1: Giữ bình tĩnh

    Khi phát hiện cháy, việc đầu tiên cần làm là giữ bình tĩnh để đưa ra các phán đoán và xử lý tình huống tốt nhất như sử dụng bình chữa cháy để dập lửa hoặc tìm lối thoát an toàn. Nếu tinh thần hoảng loạn, hành động vội vàng sẽ khiến tình huống trở nên nghiêm trọng hơn và bỏ qua cơ hội thoát nạn tốt nhất. 

    Kỹ năng 2: Chống ngạt

    Khói là nguyên nhân chính gây tử vong trong các vụ cháy nên hãy sử dụng khăn hoặc vải ướt che kín miệng và mũi để giảm nguy cơ hít phải khói độc. Khi di chuyển, hãy cúi thấp người hoặc bò thấp dưới sàn để tránh khói.

    Một số kỹ năng thoát hiểm cần thiết khi có cháy
    Hãy luôn nhớ kỹ năng thoát hiểm khi có cháy là che kín miệng, cúi thấp tránh khói độc

    Kỹ năng 3: Di chuyển, không sử dụng thang máy

    Tuyệt đối không sử dụng thang máy khi có cháy vì hệ thống điện có thể bị cắt và thang máy sẽ trở thành cái bẫy chết người. Thay vào đó, hãy sử dụng cầu thang bộ để thoát ra ngoài một cách an toàn.

    Kỹ năng 4: Mở cửa an toàn

    Trước khi mở cửa để thoát hiểm, hãy kiểm tra nhiệt độ tay nắm cửa bằng mu bàn tay. Nếu tay nắm cửa quá nóng, có thể lửa đang cháy lớn bên ngoài. Trong trường hợp đó, không nên mở cửa mà hãy tìm lối thoát khác hoặc chèn kín khe cửa để ngăn khói xâm nhập vào phòng.

    Kỹ năng 5: Báo động

    Khi phát hiện cháy, hãy nhanh chóng báo động cho mọi người xung quanh bằng cách hô hoán hoặc sử dụng các phương tiện báo động như loa phóng thanh, chuông báo cháy,... Đồng thời, gọi ngay cho lực lượng phòng cháy chữa cháy qua số 114 để thông báo về vị trí và quy mô đám cháy.

    Kỹ năng 6: Nghe theo chỉ dẫn của đội PCCC

    Sau khi thoát ra ngoài hoặc khi lực lượng cứu hộ đến, hãy lắng nghe và làm theo các chỉ dẫn của họ. Đội phòng cháy chữa cháy sẽ đưa ra những chỉ dẫn cụ thể giúp bạn thoát nạn một cách an toàn, nhanh chóng.

    Kỹ năng 7: Không trốn ở những nơi khó tìm

    Tránh trú ẩn ở những nơi khó tìm như phòng kín hoặc nhà vệ sinh. Những nơi này có nguy cơ khói độc xâm nhập cao cũng như đội cứu hộ khó có thể tìm thấy bạn kịp thời. Hãy tìm những nơi thoáng đãng hoặc dễ dàng phát hiện như cửa sổ hoặc ban công để đợi lực lượng cứu hộ.

    Kỹ năng 8: Xử lý khi bị bén lửa

    Nếu quần áo bị bén lửa, đừng hoảng loạn hay bỏ chạy vì lửa sẽ lan nhanh hơn. Thay vào đó, hãy nằm xuống và lăn người qua lại để dập tắt lửa. Nếu có nguồn nước gần đó, hãy nhanh chóng sử dụng để dập lửa.

    Kỹ năng 9: Xử lý sau khi thoát ra ngoài

    Khi đã thoát ra ngoài an toàn, không quay trở lại bên trong để lấy đồ đạc. Đảm bảo tất cả mọi người đều bình an, di chuyển đến khu vực an toàn để đợi sự trợ giúp từ lực lượng cứu hộ.

    >>> Có thể bạn quan tâm: Phòng cháy chữa cháy là gì? TOP 12 Biện pháp PCCC phổ biến nên áp dụng

    Thoát hiểm trong các tình huống cháy đặc thù

    Cháy, nổ có thể xảy ra ở bất kỳ đâu và bất cứ lúc nào nên việc trang bị các kỹ năng thoát hiểm khi có cháy trong nhiều trường hợp dưới đây vô cùng cần thiết:

    Cách thoát hiểm khi có cháy ở chung cư

    Khi xảy ra cháy lớn ở chung cư, cần giữ bình tĩnh, nhanh chóng tìm cửa thoát hiểm hoặc lắng nghe chỉ dẫn qua loa phát thanh, đồng thời báo động mọi người xung quanh cùng thoát nạn. Trong lúc di chuyển, bạn cần cúi thấp người hoặc bò sát đất để tránh hít phải khói độc, đồng thời dùng khăn ướt hoặc chăn ẩm trùm kín đầu, che miệng và mũi để lọc không khí. Trước khi mở cửa, hãy kiểm tra nhiệt độ tay nắm cửa bằng mu bàn tay, nếu thấy nóng, không nên mở và nên tìm lối thoát khác. Trong trường hợp không thể ra ngoài bằng cửa chính, hãy di chuyển ra ban công hoặc cửa sổ và dùng khăn hoặc đèn để ra tín hiệu cầu cứu. Tuyệt đối không nhảy từ tầng cao mà nên dùng thang dây, rèm cửa hoặc các vật dụng chắc chắn khác để tạo phương tiện thoát hiểm an toàn.

    Cách thoát hiểm khi có cháy ở chung cư
    Nếu không thể thoát qua cửa chính, hãy tìm ra ban công hoặc cửa sổ để cầu cứu

    Cách thoát hiểm khi cháy nhà cao tầng

    Khi bạn gặp phải các vụ cháy ở nhà cao tầng hãy nhớ nguyên tắc "di chuyển xuống dưới", không chạy ngược lên các tầng trên vì khói độc sẽ bốc cháy lên cao. Nhanh chóng di chuyển ra khỏi đám cháy một cách an toàn tương tự như các bước thoát hiểm khi cháy chung cư. Nếu không thể thoát ra ngoài, hãy vào phòng có cửa sổ, đóng kín cửa và dùng vải ướt chặn các khe hở, sau đó ra tín hiệu cứu hộ từ cửa sổ.

    Cách thoát hiểm khi cháy trong khu dân cư

    Cháy trong khu dân cư thường khó kiểm soát do mật độ nhà cửa dày đặc nên việc thoát hiểm yêu cầu phải nhanh chóng và cẩn thận để tránh bị mắc kẹt, dẫm đạp do hoảng loạn.  Ngay khi phát hiện có cháy, hãy báo động cho những người xung quanh bằng cách hô to hoặc sử dụng các phương tiện báo động sẵn có như chuông, còi. Đặc biệt, bạn có thể men theo bức tường hoặc các vật cố định để giữ phương hướng trong trường hợp khói che khuất tầm nhìn. Khi thoát ra được khỏi khu vực cháy, không quay lại nhà để lấy đồ đạc hay tìm kiếm người khác, thay vào đó, hãy nhanh chóng đến khu vực an toàn và gọi ngay cho lực lượng PCCC để được hỗ trợ tốt nhất.

    Cách thoát hiểm khi cháy trong khu dân cư
    Khi cháy trong khu dân cư, hãy báo động ngay, thoát hiểm nhanh chóng và an toàn

    Cách thoát hiểm khi cháy tại khu công nghiệp

    Khi xảy ra cháy tại khu công nghiệp, cần nhanh chóng thoát khỏi khu vực chứa nhiều vật liệu dễ cháy và hóa chất nguy hiểm. Đầu tiên, hãy giữ bình tĩnh và xác định ngay lối thoát hiểm gần nhất, tránh đi qua các khu vực chứa hóa chất hoặc nhiên liệu vì nguy cơ phát nổ rất cao. Sử dụng thiết bị bảo hộ như mặt nạ chống khói nếu có để bảo vệ bản thân khỏi khói độc. Trong quá trình thoát hiểm, tránh xa các khu vực dễ phát nổ và tuyệt đối không sử dụng thang máy. Nếu bị mắc kẹt, hãy tìm một phòng kín, chèn khăn ướt vào khe cửa để ngăn khói và ra tín hiệu cầu cứu. 

    Các lưu ý về an toàn khi thoát hiểm trong đám cháy

    Trang bị các kỹ năng thoát hiểm khi có cháy là chưa đủ, bạn cần nắm vững những nguyên tắc an toàn khi xử lý đám cháy:

    • Không chạy vào đám cháy để cứu người hoặc tài sản nếu chưa có phương án an toàn rõ ràng.
    • Sử dụng phương tiện chữa cháy đúng cách để tránh gây thương tích cho bản thân và người khác.
    • Không dùng nước để dập tắt lửa nếu đám cháy có điện, tránh nguy cơ giật điện.
    • Không chạy ngược hướng đám cháy mà di chuyển theo hướng có lối thoát hiểm an toàn.
    • Không mang theo đồ đạc nặng, làm giảm tốc độ thoát hiểm.
    • Kiểm tra nhiệt độ tay nắm cửa trước khi mở để đảm bảo an toàn.
    • Nếu lối thoát bị chặn bởi khói hoặc lửa, tìm lối khác an toàn hơn.
    • Trang bị bình chữa cháy mini và mặt nạ chống khói để sử dụng trong trường hợp cần thiết.
    • Không sử dụng thang máy trong trường hợp cháy mà hãy dùng cầu thang bộ.
    • Chèn khăn ướt vào các khe cửa nếu bị kẹt để ngăn khói lọt vào phòng và ra tín hiệu cầu cứu.

    Kết luận

    Việc nắm vững kỹ năng thoát hiểm khi có cháy không chỉ giúp bảo vệ tính mạng mà còn giảm thiểu thiệt hại về tài sản. Hãy luôn nhớ các nguyên tắc thoát hiểm khi cháy nhà, cháy chung cư và các tình huống đặc thù khác mà AICA HPL đã chia sẻ để bảo vệ bản thân và gia đình nhé. Đồng thời, việc tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về kỹ năng phòng cháy chữa cháy còn giúp hạn chế nguy cơ xảy ra cháy nổ.

    Đức Minh/Kiến thức

  • 2gx7i
  • LÀM LẠI GỞI ĐI
    TOP