Cháy nổ là mối nguy hiểm tiềm tàng trong mọi môi trường sống và làm việc. Việc hiểu rõ và thực hiện đúng quy trình tổ chức chữa cháy sẽ góp phần bảo vệ con người và tài sản khi có hỏa hoạn. Trong bài viết này, AICA HPL sẽ hướng dẫn chi tiết về quy trình chữa cháy, các bước cơ bản, phân công nhiệm vụ và những lưu ý an toàn quan trọng để mọi người ứng phó hiệu quả khi xảy ra sự cố.
Quy trình tổ chức chữa cháy là một chuỗi các bước và biện pháp cụ thể được thiết lập nhằm bảo vệ tính mạng và tài sản trước nguy cơ hỏa hoạn. Đây là quy trình toàn diện gồm việc phát hiện đám cháy, báo động, sơ tán, chữa cháy và phối hợp với lực lượng cứu hỏa chuyên nghiệp. Mục tiêu chính của quy trình này là đảm bảo mọi người đều được an toàn và hạn chế tối đa thiệt hại cho tài sản cũng như môi trường.
Việc xây dựng và phổ biến quy trình tổ chức chữa cháy toàn sẽ giúp mọi người hiểu rõ trách nhiệm và vai trò của mình khi xây ra sự cố hỏa hoạn. Nhờ đó, mọi người có thể ứng phó với đám cháy một cách nhanh chóng, hiệu quả. Sự chủ động sẽ hỗ trợ khống chế đám cháy ngay từ giai đoạn đầu, ngăn ngừa lửa lan rộng và giảm thiểu tối đa thiệt hại.
Ngoài ra, quy trình chữa cháy còn giúp giảm thiệt hại về tài sản và bảo vệ tính mạng con người nhờ các bước hướng dẫn chi tiết về sơ tán, sử dụng phương tiện chữa cháy phù hợp. Điều này sẽ giúp làm giảm nguy cơ bị thương tích, bảo vệ các tài sản quan trọng của tổ chức, hạn chế tổn thất tài chính. Trong các tình huống khẩn cấp, sự phối hợp nhịp nhàng giữa các bộ phận còn giúp lực lượng cứu hỏa tiếp cận dễ dàng và kiểm soát tình hình nhanh chóng.
Việc hiểu rõ quy trình ứng phó sự cố cháy nổ là một kiến thức hữu ích giúp mọi người đảm bảo an toàn và khống chế được ngọn lửa gây ra các thiệt hại nghiêm trọng hơn. Dưới đây là những bước quan trọng trong quy trình tổ chức chữa cháy trong một doanh nghiệp hoặc tổ chức:
Khi phát hiện có đám cháy, bất kỳ nhân viên nào nhận thấy dấu hiệu bất thường đều cần lập tức kích hoạt hệ thống báo động hoặc lớn tiếng hô hoán để cảnh báo cho mọi người trong khu vực. Sau khi cảnh báo, người phát hiện cần gọi ngay cho lực lượng cứu hỏa qua số khẩn cấp 114, cung cấp thông tin chính xác về vị trí, quy mô, loại đám cháy (nếu có thể xác định). Trong lúc đó, lực lượng bảo vệ có thể nhanh chóng kiểm tra và xác minh vị trí cháy để đảm bảo thông tin được truyền đạt chính xác cho lực lượng cứu hỏa. Người quản lý tòa nhà hoặc người đứng đầu tại hiện trường có trách nhiệm xác nhận các bước sơ tán, đảm bảo tất cả nhân viên nhận được thông báo và tiến hành các biện pháp an toàn cần thiết.
Khi có thông báo sơ tán, các nhân viên đã có kỹ năng hoặc được đào tạo về an toàn cháy nổ sẽ hướng dẫn mọi người di chuyển theo các lối thoát hiểm được quy định sẵn, giữ trật tự và tránh tình trạng chen lấn. Nhân viên phụ trách từng tầng hoặc khu vực cần rà soát kỹ lưỡng để đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau, kiểm tra các khu vực như nhà vệ sinh, kho chứa để chắc chắn không còn người.
Nhóm chữa cháy ban đầu cần tiến hành kiểm tra vị trí của đám cháy để xác định nguồn gốc của nó (trong điều kiện an toàn cho phép). Nếu đám cháy còn nhỏ, có khả năng tự kiểm soát thì có thể dùng thiết bị chữa cháy như bình CO₂ cho đám cháy liên quan đến điện hoặc chăn chữa cháy để dập lửa trong không gian hạn chế. Các nhân viên kỹ thuật hiểu rõ về hệ thống điện và kỹ thuật của tòa nhà sẽ hỗ trợ xác định chính xác nguồn gây cháy, từ đó chặn đám cháy lan sang các khu vực khác. Họ cũng có thể tiến hành cắt điện tại khu vực cháy để giảm nguy cơ cháy lan rộng.
Khi đám cháy còn ở quy mô nhỏ và chưa vượt quá tầm kiểm soát, các nhân viên đã được đào tạo về quy trình PCCC cần nhanh chóng sử dụng các thiết bị chữa cháy tại chỗ như bình chữa cháy bột, CO₂,... để khống chế ngọn lửa. Vì vậy, các doanh nghiệp hay tổ chức phải thường xuyên kiểm tra, đảm bảo các thiết bị, dụng cụ phòng cháy chữa cháy luôn sẵn sàng, không hư hỏng hay hết hạn. Khi xảy ra sự cố, các dụng cụ chữa cháy luôn đầy đủ, đảm bảo quy trình tổ chức chữa cháy diễn ra nhanh chóng và hiệu quả nhất.
Khi lực lượng cứu hỏa chuyên nghiệp đến hiện trường, lãnh đạo hoặc người có trách nhiệm sẽ đón tiếp, cung cấp cho họ các thông tin cần thiết như vị trí của đám cháy, quy mô hiện tại, các nguy cơ tiềm ẩn,... Đồng thời, họ chỉ định các nhân viên hỗ trợ lực lượng cứu hỏa giúp điều hướng và đảm bảo các lối ra vào thông thoáng. Nhóm hỗ trợ lực lượng cứu hỏa sẽ cung cấp sơ đồ tòa nhà, chỉ dẫn về các khu vực nguy hiểm hoặc có thể cháy lan, tạo điều kiện để lực lượng cứu hỏa tiếp cận đám cháy một cách nhanh nhất. Nếu có người bị thương nhẹ, nhân viên y tế nội bộ sẽ tiến hành sơ cứu ban đầu và chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện sơ cứu để hỗ trợ lực lượng cứu hỏa nếu cần thiết.
Khi xảy ra cháy, việc phân công nhiệm vụ rõ ràng là yếu tố then chốt để đảm bảo hiệu quả trong công tác ứng phó và giảm thiểu thiệt hại. Theo đó, quy trình tổ chức chữa cháy sẽ có sự góp mặt của những thành phần sau:
Người đầu tiên phát hiện đám cháy có trách nhiệm lập tức báo động để mọi người xung quanh nhận biết tình hình. Đồng thời liên lạc ngay cho lực lượng PCCC gần nhất và sử dụng các thiết bị chữa cháy tại chỗ để ngăn chặn đám cháy lan rộng (nếu có thể). Các cá nhân hoặc tổ chức gần khu vực cháy cũng có thể tham gia công tác chữa cháy ban đầu trong khả năng an toàn cho phép nhằm hỗ trợ khống chế đám cháy sớm nhất có thể.
Ngay khi nhận được thông tin cháy, lực lượng PCCC phải nhanh chóng di chuyển đến hiện trường và thực hiện công tác dập lửa, chữa cháy. Bên cạnh đó, lực lượng PCCC cũng luôn cần chuẩn bị sẵn sàng về nhân lực và phương tiện để đảm bảo việc chữa cháy diễn ra hiệu quả.
Các cơ quan hỗ trợ như y tế, điện lực, cấp nước, môi trường đô thị, giao thông khi nhận được yêu cầu từ người chỉ huy chữa cháy phải sẵn sàng cung cấp nhân lực và phương tiện hỗ trợ. Đội ngũ y tế có trách nhiệm sơ cứu và chăm sóc người bị thương, trong khi điện lực và cấp nước sẽ ngắt nguồn điện hoặc cung cấp nước phục vụ chữa cháy. Ngoài ra, lực lượng môi trường đô thị và giao thông cũng có nhiệm vụ đảm bảo thông thoáng khu vực xung quanh để tạo điều kiện cho các lực lượng chức năng tiếp cận hiện trường một cách nhanh chóng.
Lực lượng công an, dân quân, tự vệ đóng có trách nhiệm bảo vệ khu vực xung quanh, ngăn chặn người không phận sự vào hiện trường. Đồng thời phối hợp với lực lượng cứu hỏa để hỗ trợ trong quá trình chữa cháy. Việc giữ gìn trật tự sẽ tránh gây hoảng loạn và đảm bảo an toàn cho người dân xung quanh.
Theo quy định, khi xảy ra cháy, người chỉ huy chữa cháy là người có chức vụ cao nhất của đơn vị Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy có mặt tại hiện trường. Trong trường hợp lực lượng cứu hỏa chưa đến kịp, người đứng đầu cơ sở bị cháy sẽ tạm thời làm người chỉ huy hoặc người được ủy quyền sẽ đảm nhiệm vai trò này. Vai trò của người chỉ huy là đảm bảo mọi công tác chữa cháy diễn ra hiệu quả, điều phối nhân lực, thiết bị và các lực lượng hỗ trợ khác nhằm khống chế đám cháy nhanh chóng và an toàn.
Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm xây dựng các phương án phối hợp và sẵn sàng huy động lực lượng tham gia chữa cháy khi cần. Đặc biệt, các địa phương giáp ranh cần có kế hoạch phối hợp trong trường hợp cháy lan rộng và yêu cầu hỗ trợ từ nhiều lực lượng khác nhau. Chính quyền địa phương phải đảm bảo có đủ nhân lực và phương tiện tham gia chữa cháy, sẵn sàng hỗ trợ lực lượng cứu hỏa trong việc duy trì trật tự và hỗ trợ người dân trong quá trình sơ tán.
Các cơ sở sản xuất thường là nơi chứa nhiều vật liệu dễ cháy như hóa chất, gỗ, hoặc vải, kèm theo thiết bị máy móc công nghiệp phức tạp. Vì vậy các khu vực sản xuất dễ gặp nguy cơ cháy lan nhanh và khó kiểm soát nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Một khó khăn lớn trong việc chữa cháy tại các cơ sở này là quy mô rộng lớn, số lượng nhân viên đông nên việc sơ tán và kiểm soát tình hình trở nên phức tạp hơn.
Khi có cháy, hệ thống báo cháy sẽ được kích hoạt, sau đó nhân viên phải sơ tán theo lối thoát hiểm đã được quy định sẵn, tránh tiếp xúc với các khu vực có nguy cơ phát tán khí độc. Nhóm chữa cháy tại chỗ sẽ sử dụng các phương tiện chữa cháy phù hợp như bình CO₂ hoặc bột để kiểm soát đám cháy ban đầu. Đồng thời, người chỉ huy sẽ liên hệ ngay với lực lượng cứu hỏa chuyên nghiệp để hỗ trợ xử lý đám cháy trong trường hợp cần thiết.
Khu dân cư thường có mật độ dân số cao cùng nhiều ngôi nhà liền kề khiến nguy cơ cháy lan từ nhà này sang nhà khác là rất lớn. Điều này cũng tạo nên thách thức lớn cho công tác chữa cháy, nhất là những khu vực có ngõ hẹp, khó tiếp cận. Việc sơ tán dân cư trong các khu nhà chật hẹp cũng có thể gây ra tình trạng chen lấn khiến quá trình cứu hộ và chữa cháy gặp khó khăn.
Khi xảy ra cháy, người dân cần nhanh chóng phát tín hiệu cảnh báo và gọi lực lượng cứu hỏa. Nhóm sơ tán sẽ hỗ trợ di chuyển các đối tượng dễ bị tổn thương như trẻ em, người già hoặc người khuyết tật đến nơi an toàn. Các hộ gia đình có thể sử dụng bình chữa cháy tại chỗ để kiểm soát ngọn lửa nhỏ trong khi chờ đợi lực lượng PCCC đến. Khi đội cứu hỏa tới, họ sẽ triển khai thiết bị chuyên dụng và phối hợp với cư dân để giữ các lối đi thông thoáng giúp tiếp cận hiện trường và kiểm soát ngọn lửa hiệu quả.
Chữa cháy tại các tòa nhà cao tầng đòi hỏi sự chuyên nghiệp và các thiết bị chữa cháy chuyên dụng do đặc thù cấu trúc phức tạp, có nhiều tầng và không gian lớn. Một trở ngại lớn trong quy trình tổ chức chữa cháy ở tòa nhà cao tầng là sơ tán khi có nhiều người cùng di chuyển qua các cầu thang bộ trong điều kiện khói và lửa. Thang máy sẽ không được sử dụng để đảm bảo an toàn cho cư dân và nhân viên.
Khi có cháy, hệ thống báo cháy và đèn hướng dẫn thoát hiểm được kích hoạt để mọi người nhận diện lối thoát hiểm. Nhóm sơ tán sẽ hướng dẫn cư dân di chuyển an toàn qua cầu thang bộ, xuống các tầng thấp và tập trung tại khu vực an toàn bên ngoài tòa nhà. Trong khi đó, nhóm chữa cháy nội bộ sẽ sử dụng vòi phun nước và bình CO₂ để kiểm soát đám cháy tại các tầng thấp, đợi lực lượng cứu hỏa chuyên nghiệp đến hỗ trợ dập lửa ở các tầng cao hơn và đảm bảo không còn ai mắc kẹt.
Các công trình công cộng và khu vực đông người như trung tâm thương mại, trường học hoặc bệnh viện thường tập trung số lượng người lớn nên khi có sự cố cháy nổ thường có nguy cơ hoảng loạn cao. Điều này dẫn đến công tác điều phối, sơ tán mọi người an toàn thường rất khó khăn. Mọi người cần lưu ý rằng khi xảy ra cháy, hệ thống báo cháy và đèn hướng dẫn sẽ lập tức phát tín hiệu để mọi người di chuyển đến lối thoát hiểm gần nhất.
Người chỉ huy sẽ phối hợp với nhân viên bảo vệ và đội an toàn để đảm bảo các lối thoát hiểm không bị chặn, đồng thời hướng dẫn mọi người tập trung tại khu vực an toàn bên ngoài. Nhóm chữa cháy tại chỗ sẽ sử dụng bình chữa cháy và các thiết bị cơ bản để kiểm soát đám cháy trong khi chờ đội cứu hỏa đến. Khi lực lượng chuyên nghiệp tới, họ sẽ tiếp nhận thông tin từ người chỉ huy và nhanh chóng tiếp cận đám cháy để kiểm soát tình hình và kiểm tra kỹ lưỡng các phòng kín nhằm đảm bảo không còn người mắc kẹt.
>>> Có thể bạn quan tâm: 10 Kỹ năng thoát hiểm khi có cháy: cẩm nang an toàn mọi người cần biết
Khi thực hiện quy trình chữa cháy, việc tuân thủ nguyên tắc an toàn và các lưu ý quan trọng dưới đây sẽ góp phần giảm thiểu nguy cơ gây thương tích và đảm bảo hiệu quả chữa cháy:
Kết luận
Nhìn chung, quy trình tổ chức chữa cháy đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ tính mạng và tài sản, đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng, phân công nhiệm vụ rõ ràng và tuân thủ các nguyên tắc an toàn nghiêm ngặt. Để sẵn sàng ứng phó trong mọi tình huống, các cơ quan, tổ chức và hộ gia đình cần thường xuyên rà soát và cập nhật quy trình, đồng thời huấn luyện kiến thức PCCC cho mọi người tham gia. Với những kiến thức về quy trình tổ chức chữa cháy từ AICA HPL, hãy chuẩn bị sẵn sàng một quy trình thật phù hợp với công trình, nơi ở của bạn nhé!
Đức Minh/Kiến thức
Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh: 0108993025
Copyright © 2025 AICA HPL