×

Hệ thống PCCC gồm những gì? Hiểu rõ nguyên lý của hệ thống PCCC

  • Thứ hai, 17:27 18/11/2024
  • Để có thể phòng cháy, chữa cháy hiệu quả, trước tiên chúng ta cần phải nắm rõ Hệ thống PCCC gồm những gì? Đây là những yếu tố không thể thiếu để đảm bảo an toàn cháy nổ cho các công trình, môi trường sống, cũng như làm việc của bạn. Trong bài viết này, AICA HPL sẽ phân tích chi tiết từng bộ phận, nguyên lý hoạt động của hệ thống PCCC và tầm quan trọng của việc bảo trì định kỳ để đảm bảo hệ thống luôn vận hành ổn định, an toàn nhé.

    Hệ thống PCCC gồm những gì?

    Hệ thống PCCC là gì? Hệ thống phòng cháy chữa cháy (PCCC) là một tổ hợp các thiết bị, giải pháp nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý nhanh các tình huống cháy nổ, đảm bảo an toàn cho người và tài sản. Một hệ thống PCCC tiêu chuẩn thường bao gồm ba thành phần chính: hệ thống báo cháy, hệ thống chữa cháy và hệ thống thoát hiểm cùng với các thiết bị phụ trợ cần thiết.

    Hệ thống báo cháy

    Hệ thống báo cháy là bộ phận quan trọng nhất để phát hiện sớm sự cố. Khi có dấu hiệu như khói, nhiệt độ cao hoặc khí gas, hệ thống sẽ tự động kích hoạt tín hiệu cảnh báo để mọi người kịp thời sơ tán và triển khai biện pháp chữa cháy. Các thiết bị chính bao gồm:

    • Tủ trung tâm cảnh báo: Điều khiển và cung cấp năng lượng cho các cảm biến báo cháy. Tủ này còn hiển thị vị trí xảy ra sự cố giúp lực lượng cứu hỏa phản ứng nhanh chóng.
    • Cảm biến khói và nhiệt: Phát hiện khói và nhiệt độ bất thường để gửi tín hiệu đến trung tâm điều khiển.
    • Nút khẩn cấp: Cho phép kích hoạt thủ công khi ai đó phát hiện đám cháy, cảnh báo mọi người sơ tán ngay lập tức.
    • Thiết bị phát tín hiệu cảnh báo: Bao gồm chuông báo, đèn cảnh báo và loa phát thanh để thông báo cho cư dân di chuyển đến khu vực an toàn.
    Hệ thống báo cháy
    Hệ thống báo cháy giúp phát hiện sớm, cảnh báo kịp thời, bảo vệ an toàn mọi người

    Hệ thống chữa cháy

    Hệ thống chữa cháy được phân loại theo các giải pháp khác nhau, tùy vào tính chất của khu vực và đám cháy cần xử lý.

    Hệ thống chữa cháy bằng nước

    Hệ thống chữa cháy bằng nước phổ biến nhất là Sprinkler, thường thấy trong các hệ thống PCCC tòa nhà và trung tâm thương mại. Các đầu phun sẽ tự động kích hoạt khi nhiệt độ vượt quá giới hạn an toàn và phun nước để dập tắt đám cháy ngay từ đầu.

    Hệ thống chữa cháy bằng bọt

    Bọt Foam thường được dùng trong các khu vực có nguy cơ cháy nổ cao như trạm xăng hoặc kho hóa chất. Bọt sẽ phủ kín bề mặt chất lỏng dễ cháy, ngăn cách oxy với nhiên liệu, từ đó dập tắt đám cháy nhanh chóng.

    Hệ thống chữa cháy bằng khí

    Hệ thống chuyên dùng khí CO₂ hoặc khí trơ (FM200, Nitơ) trong phòng server, trung tâm dữ liệu vì không gây hư hại cho thiết bị điện tử. Tuy nhiên, khi phun CO₂ cần đảm bảo an toàn vì có thể gây ngạt nếu không kịp thời sơ tán.

    Hệ thống chữa cháy
    Hệ thống chữa cháy bằng nước tự động kích hoạt sớm giúp dập tắt đám cháy hiệu quả

    Hệ thống thoát hiểm

    Khi tìm hiểu về hệ thống PCCC gồm những gì, chắc chắn bạn không thể bỏ qua Hệ thống thoát hiểm. Cụ thể, hệ thống thoát hiểm là yếu tố quan trọng trong mỗi tòa nhà, đặc biệt ở các khu vực cao tầng nhằm đảm bảo việc sơ tán nhanh chóng và an toàn khi xảy ra hỏa hoạn. Hệ thống này bao gồm cầu thang thoát hiểm, hệ thống thông gió và quạt hút khói giúp giảm thiểu rủi ro ngạt khí, đảm bảo đường thoát không bị khói xâm nhập.

    Hệ thống cầu thang thoát hiểm

    Cầu thang thoát hiểm là thành phần thiết yếu trong các công trình cao tầng, đảm bảo việc di tản an toàn khi có sự cố hỏa hoạn. Theo quy định, mỗi tòa nhà phải có ít nhất hai cầu thang thoát hiểm riêng biệt. Mỗi cầu thang cần được thiết kế với một mặt thoáng để thoát khí và trang bị hệ thống quạt tạo áp. Quạt tạo áp sẽ tạo ra áp suất dương bên trong cầu thang, ngăn khói xâm nhập, giữ cho không gian di tản luôn thông thoáng. Điều này giúp cư dân và nhân viên cứu hộ di chuyển dễ dàng, tránh tình trạng ngạt khói. 

    Hệ thống hút khói hành lang

    Hệ thống hút khói hành lang giúp loại bỏ nhanh chóng khói và khí độc phát sinh trong quá trình cháy. Hệ thống này bao gồm các đường ống dẫn khói kết nối với bộ quạt hút công suất lớn có thể kích hoạt tự động hoặc bằng tay khi xảy ra cháy. Khi hoạt động, quạt sẽ hút khói từ hành lang và đẩy ra ngoài tòa nhà, giữ cho các khu vực thoát hiểm không bị ám khói, tạo điều kiện an toàn cho quá trình di tản. Bên cạnh đó, cửa thông gió được bố trí để duy trì luồng không khí lưu thông, ngăn khói và khí độc tích tụ trong hành lang. Nhờ vậy, hệ thống hút khói không chỉ bảo vệ cư dân mà còn hỗ trợ lực lượng PCCC làm việc hiệu quả hơn trong việc khống chế đám cháy.

    Các thành phần khác trong hệ thống PCCC

    Trên đây là 3 Hệ thống chính mà mọi chủ đầu tư cần nắm được tìm hiểu hệ thống PCCC gồm những gì. Ngoài các hệ thống chính này, một hệ thống phòng cháy chữa cháy toàn diện còn bao gồm các yếu tố phụ như: 

    • Họng nước cứu hỏa được bố trí tại nhiều điểm trong tòa nhà để lực lượng cứu hỏa dễ dàng kết nối vòi phun.
    • Trang thiết bị bảo hộ và dụng cụ cứu hộ như quần áo chống cháy, mặt nạ phòng độc, dụng cụ phá cửa,...
    • Hệ thống cấp nước chữa cháy đảm bảo cung cấp nước liên tục cho các vòi và trụ nước.
    • Tủ PCCC chứa các bình chữa cháy xách tay, vòi phun vàn điều áp để người dân sử dụng trong trường hợp khẩn cấp.
    ​  Hệ thống PCCC toàn diện đảm bảo an toàn với trang thiết bị và nguồn nước luôn sẵn sàng  ​
    Hệ thống PCCC toàn diện đảm bảo an toàn với trang thiết bị và nguồn nước luôn sẵn sàng

    Nguyên lý hoạt động của hệ thống PCCC

    Sau khi nắm rõ hệ thống PCCC gồm những gì, các chủ đầu tư cũng cần hiểu được nguyên lý hoạt động của chúng. Hệ thống PCCC vận hành dựa trên sự phối hợp giữa các thiết bị báo cháy và chữa cháy nhằm đảm bảo phát hiện kịp thời sự cố và dập tắt đám cháy một cách hiệu quả. Nguyên tắc hoạt động của hệ thống sẽ diễn ra như sau:

    Hệ thống báo cháy hoạt động theo nguyên lý nào?

    Hệ thống báo cháy tự động bắt đầu từ việc các đầu cảm biến được lắp đặt tại các khu vực trọng yếu. Các đầu báo này có thể là loại báo khói, báo nhiệt hoặc cảm biến khí gas. Khi phát hiện bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, cảm biến sẽ gửi tín hiệu về tủ trung tâm điều khiển. Tủ trung tâm là bộ não của hệ thống báo cháy, có nhiệm vụ xử lý tín hiệu và kích hoạt chuông báo động cũng như các hệ thống liên quan, như quạt hút khói hoặc hệ thống chữa cháy tự động,

    Ngoài các cảm biến tự động, hệ thống còn cho phép người dân kích hoạt báo cháy thông qua nút khẩn cấp. Khi ai đó phát hiện sự cố và nhấn nút, tín hiệu báo cháy sẽ được gửi về tủ điều khiển giúp tăng tốc quá trình xử lý và cảnh báo lực lượng PCCC. Tủ trung tâm cũng giám sát và điều khiển các khu vực riêng lẻ, đảm bảo sự phối hợp nhịp nhàng giữa các thiết bị.

    Cách thức hoạt động của hệ thống Sprinkler

    Hệ thống chữa cháy Sprinkler là một phần không thể thiếu trong PCCC, hoạt động theo nguyên lý cảm biến nhiệt độ. Các đầu phun Sprinkler được lắp đặt trên trần với cơ cấu khóa bằng ống thủy tinh chứa chất lỏng giãn nở khi gặp nhiệt độ cao. Chất lỏng này được thiết kế để giãn ở ở một nhiệt độ nhất định ví dụ 68°C, 79°C,... Khi nhiệt độ môi trường đạt đến mức nhiệt đó, ống thủy tinh sẽ vỡ ra, mở van khóa và nước trong đường ống sẽ phun ra để dập tắt đám cháy ngay từ sớm.

    Nguyên lý hoạt động của hệ thống PCCC
    Sprinkler kích hoạt nhanh khi nhiệt độ tăng, đảm bảo dập tắt cháy ngay từ đầu

    Trong điều kiện bình thường, đường ống của hệ thống luôn duy trì áp suất ổn định. Khi đầu phun được kích hoạt, áp suất giảm xuống và công tắc áp lực sẽ kích hoạt máy bơm nước. Nếu máy bơm bổ sung không đủ áp lực, máy bơm chính sẽ được khởi động để đảm bảo cung cấp đủ nước. Trong trường hợp máy bơm chính gặp sự cố, hệ thống sẽ tự động kích hoạt máy bơm dự phòng để duy trì hoạt động chữa cháy liên tục.

    Ở mỗi tầng của tòa nhà thường được trang bị van chặn và công tắc dòng chảy để kiểm soát dòng nước. Công tắc dòng chảy giúp theo dõi các khu vực đang có dòng nước chảy qua, từ đó thông báo cho tủ trung tâm để điều phối lực lượng PCCC. Ngoài ra van giảm áp được lắp đặt tại các tầng thấp nhằm hạn chế áp suất nước quá lớn, đảm bảo an toàn cho hệ thống đường ống và người sử dụng.

    Tiêu chuẩn thiết kế và lắp đặt hệ thống PCCC

    Khi lắp đặt hệ thống PCCC, cần tuân thủ các tiêu chuẩn quốc gia bao gồm:

    • Tiêu chuẩn TCVN về thiết bị phòng cháy, chữa cháy
    • Tiêu chuẩn TCVN về chữa cháy
    • Tiêu chuẩn TCVN về bảo vệ chống cháy và nổ nói chung  
    • Tiêu chuẩn TCVN về An toàn cháy nổ công trình 
    • Tiêu chuẩn TCVN về PCCC Công trình cho thương mại và công nghiệp 
    • Tiêu chuẩn TCVN về Độ bền chống lửa của vật liệu và kết cấu xây dựng 
    • Tiêu chuẩn TCVN về Thiết kế và lắp đặt các bồn chứa khí dầu mỏ hóa lỏng; Thiết bị vận chuyển sản phẩm dầu mỏ và khí thiên nhiên
    • Tiêu chuẩn TCVN về dẫn khi áp dụng các tiêu chuẩn PCCC
    • Dự thảo tiêu chuẩn quốc gia về phòng cháy chữa cháy năm 2024 - 2025

     

    Tiêu chuẩn thiết kế và lắp đặt hệ thống PCCC
    Lắp đặt hệ thống PCCC phải tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn quốc gia về an toàn

    >>> Có thể bạn quan tâm: Tiêu chuẩn thiết kế PCCC mới nhất, đảm bảo an toàn công trình

    Tầm quan trọng của việc bảo trì và kiểm tra định kỳ hệ thống PCCC

    Việc trang bị những kiến thức về hệ thống PCCC gồm những gì rất quan trọng, nhưng sẽ là một thiếu sót lớn nếu chủ đầu tư không nắm rõ được cách bảo trì và kiểm tra hệ thống này. Việc, bảo trì và kiểm tra định kỳ hệ thống PCCC là một phần quan trọng để đảm bảo hệ thống hoạt động hiệu quả và liên tục trong tình huống khẩn cấp. Dưới đây là những lợi ích chính của việc bảo trì thường xuyên hệ thống PCCC.

    Tối ưu khả năng hoạt động hệ thống

    Kiểm tra và bảo trì định kỳ giúp các thiết bị PCCC như cảm biến khói, báo nhiệt, chuông báo động và bình chữa cháy luôn trong trạng thái sẵn sàng. Điều này giúp phát hiện kịp thời các sự cố tiềm ẩn và triển khai nhanh chóng các biện pháp chữa cháy, từ đó giảm thiểu thiệt hại về tài sản và con người. Khi các thiết bị vận hành trơn tru sẽ góp phần tối ưu hóa hiệu suất hoạt động, tránh tình trạng hỏng hóc bất ngờ trong quá trình ứng phó khẩn cấp.

    Bảo trì, bảo dưỡng hệ thống kịp thời

    Trong quá trình bảo trì, kỹ thuật viên có thể phát hiện sớm những vấn đề nhỏ như rò rỉ nước, kẹt van hoặc cảm biến không hoạt động đúng cách. Qua đó kịp thời xử lý hư hỏng nhỏ trước khi trở nên nghiêm trọng hơn. Việc này cũng giúp giảm thiểu chi phí sửa chữa lớn và đảm bảo độ tin cậy của hệ thống.

    Nâng cao thời gian sử dụng thiết bị

    Việc bảo trì định kỳ không chỉ giúp loại bỏ bụi bẩn và mài mòn mà còn hỗ trợ kiểm tra, thay thế các linh kiện cần thiết trước khi chúng gây ra sự cố nghiêm trọng. Các bộ phận như cảm biến, bình chữa cháy hay hệ thống chữa cháy tự động sẽ hoạt động ổn định, ít gặp lỗi hơn khi được bảo trì đúng cách. Nhờ đó giúp kéo dài tuổi thọ của thiết bị, tiết kiệm chi phí bảo trì cũng như tối ưu hóa lợi ích dài hạn.

    >>> Có thể bạn quan tâm: Thực trạng cháy nổ hiện nay và những con số đáng để suy ngẫm

    Kết luận

    Hệ thống PCCC không chỉ là yêu cầu bắt buộc đối với các công trình mà còn là giải pháp quan trọng để bảo vệ tính mạng và tài sản. Việc hiểu rõ hệ thống PCCC gồm những gì sẽ giúp bạn chủ động trong thiết kế vận hành và bảo trì hệ thống hiệu quả hơn. Đồng thời, bảo trì định kỳ không chỉ đảm bảo các thiết bị hoạt động tốt mà còn kéo dài tuổi thọ hệ thống, giảm thiểu rủi ro và chi phí sửa chữa. Đầu tư vào một hệ thống PCCC đầy đủ và hoạt động ổn định chính là đầu tư vào sự an toàn và bền vững lâu dài.

    Đức Minh/Kiến thức

  • iaf8r
  • LÀM LẠI GỞI ĐI
    TOP